Theo Medilexicon từ điển y khoa, bệnh tim mạch là những bệnh có liên quan đến các mạch máu (tĩnh mạch, động mạch và mao mạch) hoặc tim, hoặc cả hai bệnh có ảnh hưởng đến hệ thống tim mạch.
Mỗi năm bệnh tim mạch gây tử vong hơn 17 triệu người trên thế giới. Tuy được coi như “bệnh của người già” trên 65 tuổi, nhưng bệnh tim mạch ngày càng “trẻ hóa”. Bởi vậy, ngay từ khi còn trẻ hãy biết cách phòng, chống chúng với những phương pháp khoa học nhất.
Xem thêm: Các biện pháp phòng chống bệnh tim mạch hiệu quả
Cholesterol là một chất béo có trong máu. Có 2 loại cholesterol là cholesterol xấu (LDL) và cholesterol tốt (HDL). Hàm lượng cholesterol xấu tăng cao khiến động mạch bị xơ cứng, tim khó bơm máu đến các cơ quan trong cơ thể. Nếu một mảng xơ vữa bị rơi ra, cục máu đông sẽ được hình thành, ngăn chặn máu đến tim (gây nhồi máu cơ tim), đến não (gây đột quỵ).
Để giảm lượng cholesterol, bạn thay đổi lối sống bằng cách vận động và ăn uống lành mạnh như giảm ăn chất béo bão hòa (bơ, phô mai, sữa béo và thịt), thay thế chất béo bão hòa bằng loại chưa bão hòa (dầu ô liu, dầu hạt cải, dầu hướng dương, các loại cá béo và các loại hạt)
Béo phì làm tăng nguy cơ bị tăng huyết áp, đái tháo đường có thể dẫn đến bệnh tim mạch. Theo dõi chỉ số khối cơ thể (BMI) là cách để biết bạn có bị thừa cân, béo phì hay không. Chỉ số BMI từ 25 trở lên được xem là thừa cân và từ 30 trở lên được xem là béo phì. Bạn có nguy cơ mắc bệnh cao nếu có vòng eo trên 94cm (nam) và trên 80cm (nữ).
Theo thống kê của Bộ Y tế, Việt Nam có 3,5 triệu người mắc đái tháo đường, nhưng có đến gần 70% không biết mình có bệnh và chỉ phát hiện mình có bệnh khi xuất hiện các biến chứng nguy hiểm. Đái tháo đường có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch vì lượng đường trong máu cao có thể làm tổn thương mạch máu. Nếu đang bị đái tháo đường, bạn nên kiểm soát đường huyết, huyết áp và cholesterol. Ăn uống lành mạnh, thường xuyên vận động và kiểm soát cân nặng để giảm nguy cơ phát triển bệnh tim mạch.
Bạn được chẩn đoán là tăng huyết áp khi chỉ số huyết áp luôn vượt quá 140/90mmHg. Nguy cơ mắc bệnh này sẽ tăng lên khi bạn lớn tuổi. Huyết áp cao thường không có triệu chứng nhưng có thể làm tổn thương các động mạch, tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ. Nếu không được điều trị, tim hoạt động kém hiệu quả, có thể dẫn đến suy tim. Khi bị chẩn đoán cao huyết áp, bạn nên kiểm soát cân nặng, ăn ít muối, hạn chế uống rượu, duy trì hoạt động thể chất và uống thuốc theo toa.
Nếu bạn hút thuốc, hãy từ bỏ thói quen này ngay để bảo vệ trái tim. Các hóa chất có trong khói thuốc có thể gây tổn thương cho động mạch, buộc tim phải làm việc nhiều hơn và hình thành cục máu đông (tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quỵ). Người hít phải khói thuốc cũng có nguy cơ mắc bệnh tim giống như người hút thuốc.
Nguồn: aviva.com.vn