Câu hỏi:
Chào bác sĩ. Bé nhà em sinh mổ được 1 tháng. Bé có biểu hiện nghẹt mũi, khó thở vào nửa đêm về sáng, lúc ngủ cứ khè khè do có đờm trong họng. Ban ngày thì không bị nghẹt mũi. Em có theo dõi đếm nhịp thở cho bé thì thấy lúc thức nhưng nằm yên thì lồng ngực phập phồng mạnh hơn nhưng dưới 60 nhịp/phút. Còn lúc ngủ thì lồng ngực phập phồng ít hơn và nhịp thở chậm hơn. Nhưng trong lúc ngủ em thấy quanh miệng và mắt bé thấy tím hơn so với vùng da khác trên mặt. Đo nhiệt độ thì trên 37 độ. Bé bú sữa bình thường nhưng thấy bé khó chịu do khó nuốt. Bác sĩ cho em hỏi như vậy có phải triệu chứng của viêm phổi không ạ? Em cảm ơn!
Trả lời:
Chào em
Trẻ sơ sinh bị khò khè, nghẹt mũi có đờm về đêm là tình trạng mà rất nhiều cha mẹ phải đối mặt trong thời tiết giao mùa. Bé mới được 1 tháng tuổi bị nghẹt mũi và có đờm vào buổi tối là biểu hiện thường gặp ở trẻ nhỏ trong mùa lạnh. Căn bệnh này không nguy hiểm tới tính mạng nhưng lại làm cho trẻ cảm thấy khó chịu. Nếu không được điều trị hợp lý và dứt điểm, bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng cho hệ hô hấp của trẻ như viêm họng, viêm phế quản,...
Nếu bé nhà em không sốt, không quấy khóc do không thở được, vẫn chơi ngoan, ăn tốt và lên cân đều thì em có thể khắc phục bằng các biện pháp sau:
- Dùng nước muối sinh lý hay nước biển phun sương rửa mũi cho trẻ hàng ngày. Nếu nước mũi chảy nhiều thì cần hút mũi cho bé.
- Bôi kem giữ ẩm da dành cho trẻ sơ sinh lên vùng da dưới mũi để tránh trầy xước da bé do lau chùi nước mũi.
- Chạy máy giữ độ ẩm trong không khí đạt chuẩn và thoáng mát để tạo môi trường trong lành cho bé. Nếu gia đình không có máy giữ độ ẩm cha mẹ có thể dùng khăn ấm lau 2 bên cánh mũi cho bé trước khi ngủ. Hơi ấm có thể tạm thời làm giảm tình trạng bị tắc mũi, giúp bé cảm thấy dễ chịu hơn.
- Vệ sinh định kỳ chăn, ga, gối, đệm, thảm, rèm, vải bọc ghế, bọc đệm. Nhà ở cần thoáng mát, sạch sẽ tránh ẩm ướt để hạn chế nấm mốc phát triển.
Nếu vài ngày tiếp theo bé không đỡ hoặc bị khò khè kéo dài, dai dẳng (3- 4 tuần), khò khè kèm khó thở, tím tái, rối loạn tri giác (vật vã – bứt rứt, hay li bì ); khò khè tái phát thì em nên đưa bé tới bệnh viện, chuyên khoa Nhi về hô hấp để khám. Không nên tự ý dùng thuốc, kể cả các loại thuốc kháng sinh, long đờm, kháng viêm,... vì có thể sẽ không đạt hiệu quả tốt mà có khi còn làm trẻ khò khè nhiều hơn, dẫn đến bệnh nặng hơn.
Chúc bé khỏe mạnh, hay ăn chóng lớn!
Tags:Nhi KhoaNội Khoa