Tâm lý e ngại đến bệnh viện trong mùa dịch COVID-19, không gọi cấp cứu kịp thời khiến nhiều bệnh nhân bị đột quỵ, nhồi máu cơ tim phải đối diện với tình trạng nguy hiểm tính mạng, thậm chí tử vong.
Bệnh viện Nhân dân 115 cho biết trước đây trung bình 1 tháng bệnh viện tiếp nhận đến hàng ngàn ca đột quỵ, trong số đó có trên 200 bệnh nhân nhập viện sớm và được điều trị cấp cứu kịp thời. Hiện nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, số lượng bệnh nhân đột quỵ giảm, số bệnh nhân nhập viện sớm giảm, nhiều bệnh nhân đến viện đã trễ...
Cụ thể, ông T.M.H. (56 tuổi, TP.HCM), khi đang ở nhà thì đột ngột lên cơn đau ngực, ngưng tim ngưng thở. Sau 10 phút được hồi sinh tim phổi tại bệnh viện địa phương, tim bệnh nhân đập trở lại.
Tuy nhiên vì tình hình dịch bệnh nên gia đình không đồng ý chuyển lên tuyến cao hơn để điều trị. Một ngày sau, bệnh nhân tiên lượng xấu hơn, xuất hiện ngưng tim, mạch chậm, bệnh viện địa phương vừa hồi sức vừa chuyển bệnh nhân đến một bệnh viện TP.HCM để cấp cứu. Trên đường đi, bệnh nhân ngưng tim nhiều lần, đội cấp cứu đi cùng phải ép tim ngoài lồng ngực liên tục để duy trì nhịp tim yếu ớt cho bệnh nhân.
PGS Nguyễn Huy Thắng, chủ tịch Hội Đột quỵ TP.HCM, cho biết trong những mùa dịch COVID-19 không chỉ riêng đột quỵ, rất nhiều bệnh nhân mắc bệnh khác như nhồi máu cơ tim do không được cấp cứu kịp thời đã dẫn đến nguy hiểm tính mạng và tàn phế. Nguyên nhân hầu hết những trường hợp này là do bệnh nhân đến bệnh viện trễ, vượt quá các cửa sổ điều trị vàng. Ngoài ra, tất cả bệnh viện hiện nay đang phải dồn toàn lực cấp cứu cho COVID-19, do vậy việc tiếp nhận các trường hợp cấp cứu nội khoa hầu như không tổ chức tốt như trước đây được.
Để đảm bảo kịp thời cấp cứu cho bệnh nhân đột quỵ, nhồi máu cơ tim trong trường hợp chưa thể gọi được xe cứu thương của 115, người nhà có thể sử dụng taxi hoặc xe nhà vận chuyển bệnh nhân đến các cơ sở y tế một cách nhanh nhất. "Tại một số nước châu Á như Ấn Độ, các bệnh nhân đột quỵ có thể đưa đến bệnh viện bằng xe máy, nhằm mục đích tiết kiệm tối đa thời gian vàng, được xem là yếu tố quyết định để cứu sống người bệnh và giảm thiểu nguy cơ tàn phế", bác sĩ Thắng nói.
BS CKI Trần Nguyễn Khánh, phó khoa nội thần kinh Bệnh viện TP Thủ Đức, cho biết 3 - 6 giờ đầu từ khi khởi phát cơn đột quỵ được coi là thời gian vàng để cứu sống người bệnh. Sau 6 giờ vàng đó, bệnh nhân không được tái thông các mạch lớn bị tắc trong não sẽ có nguy cơ tử vong cao hoặc bị tàn phế nặng nề. Đặc biệt trong thời gian dịch bệnh, tâm lý e ngại đến bệnh viện hoặc không tìm được hỗ trợ kịp thời sẽ dẫn đến những hậu quả không lường với bệnh nhân.
Khi nghi ngờ người bệnh bị đột quỵ thì người nhà hoặc những người ở cạnh bệnh nhân cần nhanh chóng để người bệnh không bị ngã gây chấn thương. Đặt người bệnh nằm chỗ thoáng, nghiêng một bên nếu bị nôn, móc hết đờm nhớt cho bệnh nhân dễ thở.
BS CKII Nguyễn Thái Yên, phó khoa nội tim mạch Bệnh viện Nhân Dân Gia Định (TP.HCM), cho biết thêm khi phát hiện bệnh nhân có biểu hiện như khó thở, đau ngực dữ dội, vã mồ hôi (triệu chứng điển hình của nhồi máu cơ tim) thì phải lập tức đưa bệnh nhân đến bệnh viện gần nhất để được cấp cứu. Đối với nhồi máu cơ tim, 50% bệnh nhân sẽ rối loạn nhịp tim trong vòng 2 - 3 giờ đầu tiên; nếu không điều trị kịp thời thì diễn tiến bệnh rất nhanh, có thể tử vong.
"Nếu bệnh nhân có biểu hiện như khó thở, ngã quỵ thì thường là đột tử, thời gian cho phép để cứu não cho bệnh nhân là 4 phút. Gia đình có thể sử dụng phương tiện cá nhân đưa bệnh nhân đến bệnh viện gần nhất để hồi sinh tim phổi", bác sĩ Yên khuyến cáo.
Nguồn: tuoitre.vn