Cùng eDoctor điểm qua một vài tin tức nổi bật vào cuối tuần qua nhé!
Nhân viên EVNHANOI hiến tặng hàng nghìn đơn vị máu, chuyển về Bệnh viện Huyết học truyền máu Trung ương vào ngày 19/12. 7h30, trụ sở Tổng công ty Điện lực Thành phố Hà Nội (EVNHANOI) tập trung đông đảo cán bộ ngành điện lực đến đăng ký hiến máu tình nguyện. Với tâm niệm "một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại", công nhân viên của ngành cảm thấy ấm áp khi biết sẽ có hàng nghìn bệnh nhân được cứu chữa kịp thời thời nhờ nguồn máu mình hiến tặng. Đây là món quà giúp gia đình người bệnh có thêm động lực, niềm tin chiến thắng bệnh tật, xua đi cái lạnh giá của tiết trời mùa đông.
Sáng 19/12, hai chuyến trực thăng chở bệnh nhân từ đảo Trường Sa và Cần Giờ nối tiếp đáp xuống nóc tòa nhà Viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Quân y 175. Kíp cấp cứu khẩn trương đẩy bệnh nhân trên băng ca, di chuyển xuống khu điều trị của bệnh viện, trong khoảng ba phút. Một bệnh nhân bị đa chấn thương, một người tai biến mạch máu não, đều cần can thiệp càng sớm càng tốt, trong thời gian vàng.
Thiếu tướng, phó giáo sư Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Bệnh viện Quân y 175, cho biết bãi đáp trực thăng chính thức khánh thành sau hơn một năm chuẩn bị từ chuyến bay thử nghiệm đầu tiên vào tháng 11 năm ngoái, với sự phối hợp của nhiều cơ quan, đơn vị quốc phòng, Bộ Giao thông Vận tải, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam..."Đây là ước mơ, là khát vọng đã trở thành hiện thực. 30 năm gắn bó với y tế biển đảo và các mặt trận Tây Nguyên, biên giới, chúng tôi thấy rằng việc cướp được thời gian vàng cấp cứu cho người bệnh là hết sức cần thiết", thiếu tướng Sơn nói.
Phó giáo sư Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế, TP HCM, cho biết ngành y tế thành phố xem cấp cứu ngoại bệnh viện là hoạt động rất quan trọng, mục tiêu phát triển theo hướng chuyên nghiệp hóa, tiếp cận được nhiều loại hình cấp cứu như các nước trên thế giới. Cấp cứu trực thăng mở ra thêm một hướng mới, giúp cứu sống kịp thời những bệnh nhân cần can thiệp khẩn cấp cần chuyển về những bệnh viện tuyến cuối.
Cậu bé đã trải qua cuộc phẫu thuật thông liên thất hồi tháng 7. Gần đây, sức khỏe của em yếu đi và được chẩn đoán mắc suy gan cấp, bệnh Wilson. Đây là một rối loạn di truyền hiếm gặp khiến đồng bị tích tụ trong gan, não và một số cơ quan quan trọng khác của cơ thể, gây ra rất nhiều rối loạn từ não, ý thức, da, vận động...
Bệnh nhi điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương, chỉ định ghép gan. Bé được chuyển đến Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 ở giai đoạn muộn, chức năng gan đã suy rất nặng. Ghép gan là cơ hội duy nhất để kéo dài sự sống cho bé. "Cậu bé khi vào viện tình trạng đã rất nặng, phải lọc máu, chúng tôi nhanh chóng đánh giá để ghép gan cấp cứu", tiến sĩ Lê Văn Thành, Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật Gan Mật Tụy, Bệnh viện 108, nói.
Bố của bé có các chỉ số xét nghiệm phù hợp để hiến gan ghép cho con.
"Bố có thể cho con tất cả," người cha nói với con trai.
Tuần trước, ca ghép gan cho bé thành công. Gia đình khó khăn, cậu bé được hỗ trợ một phần kinh phí từ bệnh viện và các nhà hảo tâm. Hiện, sức khỏe của bé sau ghép ổn định.
Trước khi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã tới thăm hỏi, trò chuyện, động viên 3 tình nguyện viên là những người đầu tiên tiêm thử nghiệm lâm sàng vắc xin COVID-19 đang theo dõi sức khoẻ tại Viện Nghiên cứu Y dược học quân sự (Học viện Quân y).
Cùng dự có Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Phạm Công Tạc. Tại đây, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Y tế đã trò chuyện, động viên và gửi lời cảm ơn các tình nguyện viên trước tinh thần và sự cống hiến tâm sức cho đợt thử nghiệm lâm sàng vắc xin COVID-19, để góp phần ngăn chặn đại dịch COVID-19.
Nam tình nguyện viên ngoài 20 tuổi hiện đang là sinh viên – cũng là người đầu tiên tiêm vắc xin COVID-19 “made in” Việt Nam cho biết rất vui vì được lựa chọn là người tiêm vắc xin COVID-19 đầu tiên trong đợt thử hiện này. Nam thanh niên cho biết, sau 3 ngày tiêm vắc xin sức khỏe anh hoàn toàn bình thường, ăn ngon và ngủ tốt. Đến chiều 20/12, nam thanh niên đã hết thời gian theo dõi sức khỏe tại nơi tiêm thử nghiệm và trong cùng ngày sẽ về nơi cư trú để tiếp tục theo dõi sức khỏe với sự hỗ trợ y tế tại nơi học tập và sinh sống.
Hai nữ tình nguyện viên khác cũng chia sẻ với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long về việc sức khoẻ bình thường sau tiêm.
Xuân An, 22 tuổi, sống chung với những mảng vảy dày, đỏ khắp người, bong tróc nhiều năm liền, chạy chữa từ Nam chí Bắc không khỏi. Ước mơ trở thành kỹ sư chế tạo máy, Xuân An lại trở thành sinh viên ngành dược tại TP HCM. Những năm trung học phổ thông, vảy nến xuất hiện dày đặt, bong ra rồi rơi xuống xung quanh rất nhiều.
"Da tay mỏng, nhạy cảm, dễ chảy máu nên em quyết định gác lại đam mê được tự tay vận hành máy móc", An nói.
An theo ngành dược, một phần muốn hiểu sâu hơn về bệnh, về các thuốc điều trị. "Nếu lúc đó bệnh được chữa ổn như bây giờ, có khi em đã học kỹ thuật chế tạo máy", chàng sinh viên năm tư chia sẻ. Lúc còn bé, An xuất hiện những mảng ở lưỡi như nấm lưỡi. Dần dần các mảng đỏ phát dần khắp cơ thể, gia đình chạy chữa theo hướng bệnh chàm. Khi An học trung học cơ sở, tình trạng nặng dần, bác sĩ sĩ da liễu kết luận vảy nến.
Điều trị ở quê Vũng Tàu và một số bệnh viện TP HCM không khỏi, An cùng mẹ khăn gói ra miền Bắc. Hai mẹ con tìm đến Bệnh viện Da liễu Trung ương, cơ sở điều trị bệnh phong ở Thái Bình, chạy chữa thầy lang ở Cao Bằng và rất nhiều thuốc tắm, thuốc lá ở các cơ sở đông y khắp cả nước.
Bác sĩ Vũ Thị Phương Thảo, Phó Phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Da liễu TP HCM, cho biết An được điều trị bằng thuốc sinh học. Đây là phương pháp điều trị mới nhất hiện nay, nhắm trúng đích hơn với độ an toàn và hiệu quả cao. Nhờ ức chế những thành phần đặc hiệu của hệ thống miễn dịch, thuốc sinh học không tác động hoặc giảm tác động lên các tế bào cơ thể, vì vậy hạn chế tác dụng phụ.
Sau bốn mũi tiêm trong bốn tuần, các mảng đỏ da, các mảng vảy dày biến mất. Thương tổn trên da không còn, chỉ để lại những vết tăng sắc tố sau viêm, nhìn như những vết thâm nhỏ, không đáng kể. Từng nhiều lần hụt hẫng vì càng chạy chữa thì bệnh càng nặng, nay An tự tin hơn.
Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM vừa điều trị thành công cho nam bệnh nhân 62 tuổi, ngụ Bến Tre, bị trĩ nặng, có biến chứng. Ông đã điều trị bằng thuốc nhiều năm không bớt. Mỗi khi đi tiêu, khối trĩ sa nhiều, nhét lên không hoàn toàn, thỉnh thoảng đi ra máu, đau nhẹ hậu môn. Gần đây, bệnh nhân đi tiêu ra nhiều máu đỏ, thường xuyên chóng mặt.
Các bác sĩ chẩn đoán ông mắc bệnh trĩ nội độ 3, biến chứng thiếu máu và được chỉ định phẫu thuật cắt trĩ bằng Longo - máy khâu bấm. Hậu phẫu, người bệnh ít đau, khối trĩ đã xử lý triệt để, kkhông còn đi tiêu ra máu. Gần một tuần sau, người bệnh xuất viện trong tình trạng sức khỏe ổn định.